"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Nhà vườn cổ duy nhất của Hà Thành
Được một người bạn giới thiệu, tôi tìm đến ngôi nhà số 115 phố Hàng Bạc, với ý định ban đầu chỉ là tìm hiểu về ngôi nhà vườn cổ duy nhất còn sót lại của đất Hà Thành. Nói là số nhà 115 phố Hàng Bạc, thế nhưng để vào được ngôi nhà khách lại phải vòng sang khu Đinh Liệt rồi đi vào một con ngõ sâu hun hút cho đến khi chạm mặt vào một màu xanh mát mắt của khu vườn nhỏ, nằm trầm mặc trong khoảng sân của ngôi nhà. Những Cau, trầu, trúc, trà…hiện ra trong không gian của khu vườn cổ như kéo dần tâm trí khách xa dần khỏi không gian nhộn nhịp bụi bặm ngoài kia.
Nhà vườn cổ nhất Hà nội nhìn từ trên cao
Ít ai biết rằng hơn nửa thế kỷ trước, cái cánh cửa hướng ra phố Hàng Bạc mà giờ đây đóng im ỉm ấy, luôn mở rộng cả ngày để đón người vào ra nhộn nhịp. Bởi ngôi nhà là dinh thự của ông Phạm Văn Thanh mà nhiều người già sống quanh đó vẫn quen gọi là ông Quảng Thái - chủ hiệu chuyên nghề lọc vàng, nhãn hàng Sư Tử. Nay, đằng sau lối đi ra Hàng Bạc vẫn còn tồn tại ngôi nhà vườn tĩnh lặng giữa phố cổ Hà Nội. Trong nhà, còn vợ ông Quảng Thái là bà Phạm Thị Tề sinh sống cùng các con cháu. Xuân này, bà bước sang tuổi 97. Tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn minh mẫn đủ để nhớ về thời vàng son của gia tộc hồi đầu thế kỷ…
Giống như rất nhiều gia tộc khác từ quê tìm lên Kẻ Chợ (một tên gọi khác của Hà Nội) sống thành từng phường hội, mang nghề thủ công và sản vật từ làng quê của mình lên trao đổi buôn bán và tìm cách xây dựng cơ nghiệp tại đây. Gia đình họ Phạm ở Châu Khê (Bình Giang - Hưng Yên) cũng tìm về đất Hà Thành để lập nghiệp với nghề lọc vàng cha truyền con nối.
Thủa ấy, những người vùng Kim Bôi (Hòa Bình) hay mang “vàng cốm” lên phố cổ đổi lấy quần áo và thức ăn. Những mẩu vàng mới đào lên từ lòng đất được những người phố tranh nhau mua. Họ mang sang nhà ông Quảng Thái thuê lọc thành vàng bốn con chín. Một lạng vàng được năm lá rưỡi vàng gói trong giấy dầu. Nghề lọc vàng ăn nên làm ra, ông Quảng Thái mua ngôi nhà ống thông hai mặt phố Hàng Bạc và Đinh Liệt làm tư gia. Năm 1945, ông cho sửa nhà nhưng rồi chiến tranh chống Pháp nổ ra nên mãi tận năm 1949 mới hoàn thành.
Một góc kiến trúc độc đáo của ngôi nhà vườn
Việc xây dựng ngôi nhà được sự giúp đỡ thiết kế của vị kiến trúc sư tài hoa Phạm Khắc Hệ. Ông đã biến ngôi nhà ống đơn thuần trở thành ngôi nhà kết cấu hai tầng với 16 phòng mang đậm phong cách trường phái kiến trúc Đông Dương – một kiến trúc sáng tạo kết hợp hài hòa hai nền văn hóa Pháp và Việt. Kiến trúc kiểu Pháp biểu hiện ở cầu thang gỗ, nhà nhiều phòng, những chiếc cột với nhiều ô cửa kính mờ. Kiến trúc Việt lại đậm ở mái nhà lợp ngói, uốn cong vút ở đầu đao. Dấu ấn văn hóa Việt có thấy rõ ở mỗi góc đầu đao có gắn hình bóng mây cách điệu. Điều đặc biệt của triền mái là do thế đất không được vuông khiến một góc mái không thể xây dựng đầu đao dài và cong bình thường như ba phần còn lại; vì thế, một góc mái có những hai đầu đao để khỏi khuyết, hợp phong thủy.
Trên nền đất là 560m2 thì khuôn viên vườn chiếm tới 200m2. So với nhà vườn Huế, nhà vườn 115 Hàng Bạc có diện tích nhỏ hơn. Nhưng đây lại là phố cổ Hà Nội-chỉ dành cho buôn bán chứ không phải để nghỉ ngơi như vùng ngoại ô Kim Long ven sông Hương. Vì thế mà ngôi nhà vườn 115 Hàng Bạc trở nên nổi tiếng, có tên trong rất nhiều sách hướng dẫn du lịch phố cổ. Khác với nhà vườn Huế, khu vườn nhà 115 Hàng Bạc rộng xanh mát với các loài cây hoa, lộc vừng, tre đằng ngà, trúc quân tử...
Vào tham quan, không ít du khách đã tỏ rõ sự kinh ngạc, ngưỡng mộ bởi nội thất trong ngôi nhà. Từng có đoàn du khách Pháp phải giật mình khi ngồi vào bộ salon có họa tiết theo phong cách Louis XIV. Cạnh bàn thờ gia tiên là chiếc bình gốm pháp lam đặc trưng thời Nguyễn có tuổi thọ hơn trăm năm. Một đôi câu đối làm bằng gỗ có lai lịch rõ ràng: Năm Bảo Đại thứ nhất (1926)… Thời gian đi qua, giờ đã gần hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những di vật của đầu thế kỷ XX trong ngôi nhà cổ này quả là vô giá nếu đặt trong bối cảnh Hà Nội trong quá trình đô thị hoá, “xi măng hoá” một cách gần như triệt để.
Cả gia tộc bảo giữ nếp sống Tràng An
Bước vào ngôi nhà vườn cổ, nếu ai là người tinh tế một chút sẽ có thể nhận ra ngay giữa cuộc sống hối hả, bộn bề bụi bặm của Thủ đô. Thì lẩn khuất trong đó vẫn có những nụ cười mỉm ý nhị, những câu nói giữa chủ nhà và khách mà nhiều khi người nghe cảm thấy “lạ”: “anh lại nhà ạ”, “không dám, mời chị vào nhà dùng trà ạ”... Những con người sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà 115 Hàng Bạc ít khi nói về những di sản vật chất mà nếu bán đi giá của chúng có thể lên tới bạc tỉ. Với họ, chúng vẫn chỉ là những đồ vật. Điều họ trân trọng hơn và luôn lo sợ mất đi là nếp sống, gia phong của người Hà Nội.
Những người sống trong ngôi nhà đều không bao giờ quên những lời dạy của cụ Quảng Thái xưa: “sống phải biết trọng học thức, chuộng cái đẹp”. Phải biết giữ những nếp sinh hoạt của gia tộc vẫn đựơc lưu giữ như đầu thế kỷ trước. Người trong nhà đi lại không gây tiếng ồn, không ai nói to, khi hỏi và trả lời đều thưa gửi. Ai đến thăm nhà đều xem là khách quý. Khách đến, đôi khi chỉ xem rồi đi ngay nhưng gia chủ vẫn tận tình dẫn đi thăm quan và lại còn thay nhau làm “hướng dẫn viên du lịch”. Chính từ những điều trên mà sự “Thanh Lịch” toát ra ở ngôi nhà này đựoc lưu giữ như bảo vật gia truyền: Lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp. Trong các mối quan hệ thì luôn xử lý một cách mềm mại và uyển chuyển. Kể cả từ cách ăn mặc cũng luôn giữ vẻ trang nhã, hài hoà, giản di, đúng với vị thế xã hội và cấp bậc trong gia đình.
Nhiều thế hệ trong ngôi nhà vẫn giữ
Mời khách bằng ấm nước vối quen thuộc pha thêm nước chanh có vị là lạ, ông Giao, con trai của cụ Tề, hiện cũng đã ngoại lục tuần. Dẫn chuyện nếp sống xưa của gia đình, ông bắt đầu kể: Gia đình chúng tôi từ khi bắt đầu lập nghiệp đã đối xử với người giúp việc như người nhà. Các cụ nhà tôi làm ăn thật thà, lọc vàng đúng tiêu chuẩn và lấy tiền công phân minh. Chữ tín trong làm ăn có từ nếp nhà mà ra. Những người giúp việc gọi ông bà chủ là “cậu”, là “mợ” như cách anh em chúng tôi vẫn gọi cha mẹ. Ngày xưa, vàng lá sau khi lọc bày la liệt trên sập không bao giờ mất.
Có người giúp việc gái nhà tôi phải lòng anh bếp được cậu mợ tôi cho làm lễ cưới đàng hoàng. Sau đó người giúp việc trai tản cư theo gia đình trong kháng chiến xin phép nhà chủ gia nhập Việt Minh. Có người ôm bom ba càng hy sinh anh dũng. Người khác sau chiến tranh còn sống, làm lãnh đạo Đoàn thanh niên thỉnh thoảng vẫn tới thăm hỏi sức khỏe “mợ”. Chúng tôi luôn sống theo lời dặn tổ tiên như câu đối trong nhà: “Cư gia hữu hằng quy trịnh công tương nhẫn/Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu khiêm” tạm hiểu là “Trong nhà có quy định không đổi là luôn coi trọng tính công bằng và tính nhẫn/Ứng xử không gì bằng khiêm tốn, mềm mại như cành liễu”.
Ngồi bên bàn trà với ông Giao, thế nhưng mỗi khi có ai trong nhà đi qua tôi đều nhận đựoc một nụ cười vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát. Đã có nhiều người bi quan cho rằng: Nét đẹp đối nhân xử thế của người Hà Nội đã lui vào dĩ vãng, đôi khi nhắc lại như là một sự hoài niệm. Thế nhưng ở chính nơi đây ai cũng có thể cảm nhận thấy, dù thời thế thay đổi, phẩm tính đó chỉ thu hẹp lại, tồn tại bền bỉ trong những gia đình lâu đời ở Hà Nội. Những gia đình đó chính là những “bảo tàng thu nhỏ cho nếp sống Tràng An".